Trang Thông tin điện tử

xã Kim Đông - Huyện Kim Sơn

Thứ năm, 09/05/2024

TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 92 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM (14/10/1930 - 14/10/2022)

Thứ năm, 13/10/2022

I. Sự ra đời của Nông hội đỏ - Tiền thân của Hội Nông dân Việt Nam

Sau khi dập tắt các cuộc khởi nghĩa của nông dân, ruộng đất của nước ta chủ yếu rơi vào tay địa chủ, phong kiến, quan lại tay sai đã làm xã hội phân hóa mạnh mẽ, đời sống nông dân dưới thời Pháp thuộc vô cùng nghèo nàn, đau khổ. Ngày 1/11/1929, Báo “Dân cày” số đầu tiên của tỉnh Ninh Bình được phát hành, nội dung tờ báo tố cáo sự bóc lột dã man của thực dân, kêu gọi nhân dân đoàn kết đấu tranh chống đế quốc cướp nước và đánh đổ tay sai.

Cuối thập kỷ 20 của thế kỷ XX, Nông hội đỏ đã xuất hiện ở một số địa phương. Tháng 11/1929, Ban Chấp hành Tổng Nông hội Nghệ An ra đời. Đầu năm 1930, Hội nghị thành lập Đảng được tổ chức tại Cửu Long (Hương Cảng-Trung Quốc), trong Sách lược vắn tắt của Đảng thông qua ngày 03/02/1930 đã nêu ra những vấn đề cơ bản đối với giai cấp nông dân: “Đảng phải thu phục cho được đại đa số dân cày nghèo làm cách mạng thổ địa đánh đổ bọn đại địa chủ và phong kiến''; Đảng nhấn mạnh ''Nông dân là lực lượng to lớn của cách mạng". Vì vậy, phải tập hợp nông dân vào một tổ chức dưới sự lãnh đạo của Đảng, đấu tranh giành độc lập tự do và thực hiện cách mạng ruộng đất.

Hội nghị lần thứ Nhất, Ban Chấp hành TW Đảng họp trong tháng 10/1930 tại Hương Cảng đã thông qua bản Luận cương chính trị và ra Nghị quyết về thành lập Tổng Nông hội Đông Dương và thông qua Điều lệ Tổng Nông Hội Đông Dương gồm 8 điều trong đó nêu rõ mục đích ''Thống nhất hết thảy Tổng Nông Hội Đông Dương để tranh đấu bênh vực quyền lợi hàng ngày của nông dân và để thực hiện cách mạng thổ địa''. Việc thành lập Tổng Nông hội Đông Dương (tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay) đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử giai cấp nông dân Việt Nam, sự trưởng thành và lớn mạnh về của phong trào nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

II. Hội Nông dân Việt Nam qua các thời kỳ

1. Hội Nông dân Việt Nam và cuộc vận động cách mạng giải phóng dân tộc (1930-1945)

Ngày 20/3/1931, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị về vấn đề chỉnh đốn Nông hội đỏ, trong đó khẳng định vai trò to lớn của Nông hội trong cách mạng, giai cấp nông dân “là một lực lượng chính của cách mạng”.

Tháng 3/1937, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp, đề ra đường lối chính trị và phương pháp tổ chức mới, quyết định lấy tên Nông hội thay Nông hội đỏ đã thu hút đông đảo nông dân đấu tranh giành quyền lợi của giai cấp mình. Chủ trương đúng đắn và kịp thời của Đảng đã giúp cho Nông hội khắp nơi trong nước phát huy vai trò của mình trong việc tập hợp, lãnh đạo nông dân hợp lực với công nhân và nhân dân lao động đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ.

Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ Tám, tháng 5/1941 khẳng định nhiệm vụ giải phóng dân tộc, tạm gác nhiệm vụ cách mạng ruộng đất thay bằng khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của đế quốc, Việt gian chia cho dân cày nghèo, thực hiện giảm tô, giảm tức; thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh); Mặt trận các đoàn thể lấy tên là Cứu quốc. ''Nông hội từ nay gọi là Việt Nam Nông dân cứu quốc hội, là một bộ phận của Việt Nam độc lập đồng minh.

Từ đầu năm 1941, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, nông dân các dân tộc Cao Bằng đã tổ chức những đoàn thể cứu quốc đầu tiên. Sau đó, nông dân từ miền ngược đến miền xuôi nô nức tham gia vào các đoàn thể của Mặt trận Việt Minh. Nông dân cứu quốc hội  là lực lượng to lớn của Mặt trận Việt Minh, đồng thời nông dân còn chiếm đại đa số trong hầu hết các tổ chức cứu quốc ở nông thôn như: thanh niên, phụ nữ... tạo nên một lực lượng chính trị rộng lớn, áp đảo kẻ thù.

Năm 1941 - 1942, dưới sự lãnh đạo của Nông dân cứu quốc hội, nông dân đã đấu tranh chống thu thóc, chống nhổ lúa trồng đay, nhổ ngô trồng thầu dầu... Từ năm 1943, với khẩu hiệu ''Đoàn kết toàn dân đánh đuổi Nhật - Pháp'', đã đưa nông dân tham gia mạnh mẽ vào các phong trào đấu tranh với những hình thức như biểu tình chống Nhật, vũ trang đánh Nhật… Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (ngày 09/3/1945), phong trào ''Phá kho thóc Nhật giải quyết nạn đói'' đã lôi cuốn hàng triệu nông dân vùng lên đấu tranh trực diện với kẻ thù, góp phần làm tan rã từng mảng chính quyền cơ sở của phát xít, tay sai cùng cả nước tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công.

2. Giai cấp nông dân Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng XHCN ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước (1945-1975)

Ngày 06/8/1949, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 02 thành lập Ban Nông vận Trung ương. Từ ngày 28/11 đến ngày  07/12/1949 tại xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang), Hội nghị cán bộ nông dân toàn quốc lần thứ nhất đã họp và nhất trí thành lập Hội Nông dân cứu quốc Trung ương (sau đổi tên là Ban Liên lạc Nông dân toàn quốc). Lần đầu tiên trong lịch sử Hội và phong trào nông dân, giai cấp nông dân có một tổ chức Hội ở cấp Trung ương, đáp ứng nguyện vọng của nông dân cả nước.

Ở miền Bắc: Với tinh thần ''Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng'', nông dân hăng hái tham gia các phong trào xây dựng “Cánh đồng 5 tấn”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”,thanh niên nông thôn lên đường tòng quân giết giặc, bảo vệ Tổ quốc… Phong trào cách mạng của giai cấp nông dân và Hội Nông dân đã đóng góp quan trọng vào chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ ngày 07/5/1954 và thắng lợi của Hội nghị Giơnevơ ngày 20/7/1954 về Đông Dương mở ra một thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam. Hoà bình được lập lại ở Đông Dương, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ quá độ, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Ở miền Nam: Ngày 21/4/1961, Hội Nông dân giải phóng miền Nam Việt Nam chính thức được thành lập và là thành viên của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Sự ra đời của Hội là một mốc lịch sử đánh dấu sự phát triển của tổ chức nông dân. Thắng lợi của phong trào nông dân nổi dậy và cuộc tiến công chiến lược Xuân - Hè 1972 đã làm chuyển biến căn bản cục diện chiến tranh ở miền Nam và tiến tới "Tổng tấn công" mùa Xuân năm 1975 giành trọn vẹn thắng lợi, đất nước thống nhất, Nam - Bắc sum họp một nhà.

3. Hội Nông dân Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Ngày 27/9/1979, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 78 về việc tổ chức Hội Liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam. Bộ Chính trị đã quyết định thành lập tổ chức thống nhất của nông dân lao động trong cả nước, có hệ thống từ Trung ương đến cơ sở, lấy tên là Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam. Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam được thành lập có ý nghĩa chính trị to lớn. Sau nhiều năm không có tổ chức Hội (ở miền Bắc), nay giai cấp nông dân cả nước có tổ chức thống nhất từ Trung ương xuống cơ sở.

Ngày 01/3/1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định số 42 về việc đổi tên Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam thành Hội Nông dân Việt Nam. Tại phiên họp ngày 17/01/1991, Bộ Chính trị đã đồng ý lấy ngày 14 tháng 10 năm 1930 làm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam.

Ngày 20/5/1991, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 69 về việc Tổ chức kỷ niệm 61 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam. Lần đầu tiên Hội Nông dân Việt Nam tổ chức mít tinh kỷ niệm trọng thể 61 năm Ngày thành lập Hội tại Thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư Đỗ Mười tới dự và có bài phát biểu quan trọng.

III. Phong trào nông dân và Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình qua các thời kỳ

Cùng với Nông dân cả nước, nông dân Ninh Bình tham gia vào tổ chức Hội ngay từ ngày đầu tiên, khi Nông Hội đỏ được thành lập. Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Nông dân Ninh Bình đã giương cao ngọn cờ cách mạng, sát cánh kề vai cùng Nông dân cả nước kiên định một lòng đi theo Đảng, đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Bác Hồ: “Hãy đem sức ta mà giải phóng cho ta”, “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “Không có gì quý hơn Độc lập tự do”. Nông dân Ninh Bình hăng hái phục vụ kháng chiến với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, nhân dân Ninh Bình động viên hơn 59.000 thanh niên chủ yếu là con em nông dân nhập ngũ vào bộ đội, thanh niên xung phong hỏa tuyến; hàng vạn nông dân Ninh Bình đồng bào đi lương cũng như đi giáo, từ vùng núi bán sơn địa Nho Quan, Gia Viễn đến vùng đồng bằng, ven biển Yên Khánh, Kim Sơn ... đều hăng hái tham gia các phong trào sản xuất, phục vụ chiến đấu ủng hộ miền Nam ruột thịt; nhiều nơi trong tỉnh đã xuất hiện “cánh đồng 5 tấn vì miền Nam” hàng trăm ngàn tấn gạo, thịt lợn hơi và các loại thực phẩm khác do bàn tay lao động của nông dân Ninh Bình được gửi ra tiền tuyến; hàng chục vạn lượt nông dân Ninh Bình cùng quân dân cả tỉnh tham gia hàng triệu ngày công thực hiện “phòng không nhân dân”, đào được gần 2.500 km giao thông hào, hơn 94.500 hầm hố phòng tránh bom đạn; hàng ngàn lượt nông dân tham gia hơn 250.000 ngày công đảm bảo giao thông. Tu bổ và làm mới hàng chục cầu phà, hàng trăm km đường giao thông; phục vụ vận chuyển 16.186 tấn hàng hóa ra chiến trường, bảo vệ an toàn 81.284 tấn hàng quân sự chiến lược.

Những thành tích xuất sắc trong những năm vừa sản xuất vừa chiến đấu của giai cấp nông dân Ninh Bình xây dựng hậu phương vững mạnh, chi viện đắc lực cho tiền tuyến góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại ngày 30/4/1975 giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Nông dân Ninh Bình cùng với các tầng lớp nhân dân và lực lượng vũ trang của tỉnh cùng với nhân dân cả nước đã viết lên những trang sử vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của toàn dân tộc.

Tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, nông dân Ninh Bình vững bước tiến lên con đường xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII về phân chia lại địa giới tỉnh Hà Nam Ninh, ngày 01/4/1992 Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình chính thức đi vào hoạt động theo tỉnh mới. Những ngày đầu công tác Hội và phong trào nông dân còn gặp nhiều khó khăn cả về tổ chức và nội dung phương thức hoạt động. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh đã vượt qua khó khăn xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

 

 

Bài liên quan
Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 38071

Trực tuyến: 8

Hôm nay: 100